Phải xử lý như thế nào khi trẻ bị ngã từ trên giường xuống đất?

“Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” có lẽ là câu thành ngữ miêu tả đúng nhất tâm thế chăm sóc con trẻ của các bậc cha mẹ. Rõ ràng, thời nào cũng vậy, cha mẹ luôn muốn bảo vệ những đứa con khỏi những tổn thương và nguy hiểm, bởi thế, chỉ cần một vết cắt trên tay cũng đau xót lắm rồi. Tuy nhiên, quá trình trưởng thành của các con không thể tránh khỏi những va vấp đòi hỏi sự bình tĩnh và khôn khéo của cha mẹ. Xử lý khi trẻ bị ngã từ trên giường xuống đất cũng thế. Nếu thiên thần nhỏ của bạn bị ngã đập đầu xuống nền đất, bạn sẽ làm thế nào? 

1. cách xử lý khi trẻ bị ngã từ trên giường xuống đất

Hãy tưởng tượng trong đêm khuya thanh vắng, không một tiếng động vào lọt vào căn buồng ngủ của bạn. Đang lim dim, bạn bỗng giật mình vì một tiếng “cốp” thật lớn phát ra ngay bên cạnh. Bạn phát hiện thiên thần nhỏ của mình vừa ngã xuống đất. Trong đầu bạn lúc này hiện lên bao nhiêu viễn cảnh đáng sợ, trong đó có cả những di chứng sau này ảnh hưởng đến não bộ. Tuy nhiên, điều chúng ta nên làm là giữ cho mình “một cái đầu lạnh” để xử lý vấn đề. Vậy nên hãy cùng tìm hiểu cách xử lý hiệu quả sau đây nhé:

Xem thêm:

Bước 1: Kiểm tra xem trẻ có bất tỉnh hay không và chú ý quan sát. 

Bước đầu nên kiểm tra ngã xong bé có bất tỉnh hay không

Việc đầu tiên cha mẹ cần hành động tức thì là kiểm tra xem liệu đứa trẻ có bất tỉnh hay không kèm theo các dấu hiệu khác và thời gian bất tỉnh. Ngay cả khi con trẻ không bất tỉnh, bạn cũng nên theo dõi sát sao. Cụ thể, 24 giờ đầu tiên là khoảng thời gian bạn cần bỏ ra để chú ý nhất cử nhất động của đứa trẻ để nhận biết liệu con có bị chấn thương hay mệt mỏi gì không. Thông thường, sau khi trẻ bị ngã có thể lăn ra khóc ngay tức thì, hoặc ủ rũ như đang ngủ, sau đó là mệt mỏi. 

Tuy nhiên, một thời gian sau đó có thể trở nên lờ đờ hay thậm chí bất tỉnh. Bởi lẽ thời điểm này, hộp sọ của bé vẫn chưa phát triển. Nếu đứa bé bị đập đầu quá mạnh cũng có thể bị gãy xương hay chấn thương hộp sọ ngay cả khi ngã lên các bề mặt mềm như quần áo hay chăn nệm. Nhiều cha mẹ không biết lại cứ nghĩ con mình đang ngủ, tuy nhiên bạn nên nhớ, cách thức an toàn nhất vẫn là nên đưa trẻ đi khám bởi một dấu hiệu nhỏ bất thường nào đó xảy ra. Một số dấu hiệu tổn thương não bộ cần cấp cứu kịp thời cha mẹ cần lưu tâm là: 

  • Trẻ khóc mãi không ngừng, tiếng khóc the thé dai dẳng khác với bình thường hoặc đặc biệt khóc to khi được đặt nằm cố định ở một tư thế nào đó khác với các tư thế còn lại
  • Bị sưng phồng ở bất cứ vị trí xung quanh đầu, đặc biệt là tại các thóp trước, thóp sau
  • Liên tục dùng tay cọ xát đầu, mặt
  • Trẻ rơi vào trạng thái lờ đờ, gà gật như sắp ngủ
  • Có máu hoặc chất lỏng màu vàng chảy ra từ mũi hoặc tai
  • Mất khả năng giữ thăng bằng, phối hợp hoạt động kém, liên tục té ngã
  • Đồng tử hai mắt không có cùng kích thước
  • Trở nên nhạy cảm với âm thanh hoặc ánh sáng
  • Nôn mửa
  • Không phản ứng lại khi được người lớn cưng nựng, vỗ về.
  • Đặc biệt trở nên kích động, dễ cáu gắt

Tuy nhiên, thông thường các trường hợp ngã từ độ cao trên giường xuống đất bị thương tích không xảy ra nhiều, chỉ khi đứa trẻ ngã từ hai mét rưỡi trở lên mới gây ra các dấu hiệu nghiêm trọng. Bạn nên căn cứ vào tình hình cụ thể của con mình để quan sát xem liệu có cần đưa đến bác sĩ kiểm tra hay không

Bước 2: Thao tác thực hiện khi trẻ gặp sự cố 

Nếu như trong quá trình quan sát, bạn đột ngột nhận ra trẻ có dấu hiệu nôn mửa, co giật hay chảy máu thì trước khi đưa trẻ đến cơ sở khám kịp thời cần sơ cứu và thao tác đúng cách. Cha mẹ không nên di chuyển trẻ quá nhiều bởi sự tác động đột ngột có thể gây ra các chấn thương khác. Nếu trẻ bị co giật, hãy đặt em nằm nghiêng và giữ cổ thẳng để hạn chế dịch nôn mửa trào ra ngoài gây khó thở. Trong trường hợp trẻ bị chảy máu, hãy cầm máu bằng băng gạc cho đến khi gặp nhân viên y tế.

Nếu trẻ vẫn tỉnh táo và chấn thương không quá nghiêm trọng, cha mẹ có thể tạo tâm lý thoải mái cho con bằng cách ẵm trẻ trên tay nhẹ nhàng, chơi đùa với bé hoặc vỗ về em. Lúc vỗ về, hãy tranh thủ theo dõi xem liệu đứa bé có gặp chấn thương nào trong vùng đầu không. 

Bước 3: Chăm sóc con trẻ sau quá trình quan sát/thăm khám

Cần theo dõi hoặc đưa trẻ đến bác sĩ nếu có các biểu hiện bất thường

Sau quá trình quan sát và thăm khám, nếu bạn cảm thấy trẻ đã dần cải thiện sức khỏe của mình tốt hơn thì có thể chơi đùa (nhưng tránh các hoạt động mạnh trong vòng 24h), vỗ về con theo cách thông thường và để trẻ nghỉ ngơi thoải mái cho đến khi đứa trẻ hoàn toàn trở về trạng thái trước đây. Bạn có thể hỏi bác sĩ về việc dùng thuốc giảm đau để cải thiện chức năng tinh thần của con. 

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, đừng để mọi chuyện xảy ra rồi mới tìm cách khắc phục. Cách để giúp trẻ phòng tránh việc ngã từ trên giường dễ nhất là để các em ngủ dưới nệm hoặc nằm trong nôi, tuy nhiên trong trường hợp cha mẹ muốn gần gũi với con thì nên chuẩn bị không gian ngủ thật tốt: 

Bạn có thể chuyển nằm giường thành nệm hoặc chiếu để giảm khoảng cách bé lăn xuống đất, đồng thời đẩy nệm sát tường và cách xa các cạnh bàn hay ổ điện. Khi bé đi ngủ, bạn có thể đặt thêm chăn, gối hay các vật mềm xung quanh để tránh bé lăn ra ngoài, tuy nhiên, không nên “ghém” quá kĩ vì có thể gây ra đột tử vì thiếu hơi.

Nên có biện pháp phòng tránh trẻ ngã từ giường xuống phù hợp với tuổi của bé

Trong trường hợp gia đình nằm giường cao, hãy lót thêm các lớp nệm, gối dày dưới đất để giảm thiểu tổn thương nhất có thể hoặc đóng các thanh chắn cạnh giường để trẻ không rơi ra ngoài. 

Không bao giờ để trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi nằm trên giường người lớn một mình mà không có sự giám sát của người ngay cả khi bạn đã chặn gối ở mép giường hay vị trí nằm của trẻ là an toàn theo cách nghĩ của bản thân. Các tai nạn có thể biến hóa đa dạng, chúng ta chẳng thể chắc chắn về bất cứ thứ gì. Ví dụ như đột tử xảy ra khi trẻ nghẹt thở chẳng hạn. 

Ngoài ra, không cho trẻ ngồi một mình trên bề mặt cao hay ghế cao, ngay cả khi đã có đai để cố định trẻ vào với ghế. Bởi lẽ, chiếc ghế có thể bị đổ và kéo theo cả trẻ ngã theo.

Hi vọng qua bài viết trên, Nhà thuốc SUMO có thể giúp bạn biết cách xử trí khi trẻ bị ngã từ giường xuống đất một cách an toàn nhất.

Nhà thuốc SUMO Đã duyệt nội dung
Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, kinh nghiệm 6 năm chuyên môn về thuốc Tân dược, nghiên cứu bào chế, tư vấn thuốc, thực phẩm chức năng tại nhà thuốc Việt Pháp
Đánh giá bài viết
Bình luận (0 bình luận)